Quốc Mẫu Âu Cơ (Khoảng 2800 Tr.TL)
Theo truyền thuyết, khoảng gần 5000 năm trước, bà Âu Cơ dòng dõi
tiên. kết duyên cùng vua Lạc Long dòng dõi rồng, sinh được 100 con trai
là con rồng cháu tiên. Về sau, 50 con theo Cha Lạc Long xuống biển, 50
con theo Mẹ Âu Cơ lên núi, đi về phương nam lập ra nước Văn Lang, do
người con trưởng làm vua hiệu là Hùng Vương, truyền được 18 đời . Người
Việt Nam tôn vinh bà Âu Cơ là Quốc Mẫu. Trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương
mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, người Việt Nam đều nhớ đến ơn Quốc
Mẫu Âu Cơ.
Mẹ Âu Cơ, Cha Lạc Long (Tranh Vi Vi)
Trưng Vương (40-43)
(Truyền thuyết hai bà Trưng)
Năm 40 thời Bắc thuộc, Thái Thú Tô Định bắt giết ông Thi Sách chồng
bà Trưng Trắc, và đàn áp dân Lạc Việt. Vì nợ nước thù nhà, bà Trưng
Trắc cùng em là Trưng Nhị nổi dậy đánh đuổi Tô Định, đoạt 65 thành và 4
Quận, lên làm vua xưng là Trưng Vương, đóng đô ở Mê Linh. Triều đại
Trưng Vương tuy chỉ ngắn ngủi 3 năm, nhưng đã chứng tỏ tinh thần bất
khuất của người phụ nữ Việt, và mở đầu cho nền độc lập nước nhà. Hiện
nay có nhiều đền thờ Hai Bà Trưng, và ngày lễ hội kỷ niệm hàng năm vào
mồng 6 tháng hai âm lịch.
Trưng Vương đánh đuổi quân Hán (Tranh Vi Vi)
Công Chúa Hoàng Thiều Hoa (Danh tướng thời Trưng Vương)
Bà Hoàng Thiều Hoa người huyện Gia Hưng, tỉnh Thanh Hoá (có sách
chép là tỉnh Sơn Tây ngày nay). Không rõ năm sinh, năm mất. Bà là một
nữ tướng tài giỏi của Hai Bà Trưng, giữ nhiệm vụ huấn luyện đoàn Nương
tử quân. Khi Hai Bà Trưng đánh đuổi xong giặc Hán đô hộ, lên ngôi vua,
đã phong tước cho bà là Thiều Hoa Công Chúa. Hiện nay đền thờ Công Chúa
Thiều Hoa ở làng Hiếu Quan, huyện Tam Nông. Hàng năm lễ hội kỷ niệm vào
các ngày 12, 13 tháng giêng âm lịch.
Lê Chân (Danh tướng thời Trưng Vương)
Lê Chân là nữ tướng tài ba của Hai Bà Trưng, người làng An Biên,
huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương. Không rõ năm sinh năm mất. Trong các
trận đánh đuổi giặc Hán đô hộ, bà Lê Chân thường giữ chức tiên phong và
nổi tiếng dũng cảm. Khi Hai Bà Trưng lên ngôi, đã giao việc Quốc phòng
cho bà Lê Chân và phong làm Thánh Chân công chúa. Bà là người sáng chế
ra môn thể thao “đánh phết” rất vui (vui ra phết). Các vua đời sau đều
có sắc phong bà làm Thượng đẳng phúc thần công chúa. Hiện nay, đền thờ
bà Lê Chân tại làng Mai Động (Hà Nội). Lễ hội kỷ niệm vào các ngày 4, 5
và 6 tháng giêng âm lịch, thường có tổ chức thi đấu vật và đánh phết.
Bà Triệu (225-248)
(Đọc truyền thuyến về Lê Hải Bà Vương Triệu Thị Trinh tức truyền thuyết bà Triệu)
Bà Triệu tên thật là Triệu Thị Trinh cùng anh là Triệu Quốc Đạt khởi
nghĩa năm 248, chống lại quân Đông Ngô cai trị tàn ác. Bà rất can đảm,
thường nói: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá
tràng kình ở bể đông, quét sạch bờ cõi, để cứu dân ra khỏi nơi đắm
đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng làm tì làm
thiếp người ta”.
Ra trận, Bà Triệu cưỡi voi mặc giáp vàng trông rất oai phong, khiến
quân Ngô phải khiếp sợ. Nghĩa quân tôn bà là Nhụy Kiều tướng quân. Bà
Triệu đã anh dũng hy sinh năm 23 tuổi.Hiện nay có đền thờ Bà Triệu trên
núi Gai (núi Ải), làng Phú Điền (Thanh Hóa), và lễ hội kỷ niệm vào
ngày 21 tháng 2 âm lịch hàng năm.
Bà Triệu Thị Trinh (Tranh Vi Vi)
Phụ nữ Việt Nam trong truyền thuyết
09:58 |
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét